Skip to content
08:37 | 19/04/2023

Tiềm năng xuất khẩu hàng dệt may việt nam đến Vương Quốc Anh

  1. Xuất khẩu dệt may Việt Nam đến Anh và thế giới.

Dệt may là mặt hàng xuất khẩu quan trọng, là nhóm ngành hàng XK có tỷ trọng kim ngạch lớn thứ ba của Việt Nam sang Vương quốc Anh. (Năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu hàng dệt may với kim ngạch 593,16 triệu USD sang Anh, tăng 6,7% so năm 2020).

11 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Anh đạt kim ngạch 749,8 triệu USD, tăng 42,6 % so cùng kỳ năm ngoái, chiếm 13,3% tổng trị giá kim ngạch XK của Việt Nam sang Anh.

Biểu đồ về tổng kim ngạch Xuất khẩu Dệt May Việt Nam ra thế giới từ 2014-2021

Tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam ra thế giới năm 2022 ước đạt 42 tỷ USD, tăng 3,8% so với năm 2021, trong đó, xuất khẩu sang Anh đạt thị phần gần 2%.

Hình 1: Ảnh sưu tầm, số liệu từ Hiệp hội dệt may VN

  1. Thị trường tiêu thụ hàng dệt may Anh và triển vọng

Thị trường dệt may Vương quốc Anh có tiềm năng tốt. Trong 10 năm, từ 2009 đến 2020, chi tiêu của người tiêu dùng Anh cho quần áo đã tăng thêm gần 17 tỷ bảng Anh. Năm 2019, chi tiêu cho quần áo của dân Anh đạt mức cao nhất mọi thời đại là 61,2 tỷ bảng Anh. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID 19, tiêu dùng mặt hàng quần áo ở Anh đã giảm  đi gần 8,2 tỷ Bảng xuống còn 53,01 tỷ bảng Anh. 

Năm 2021, tiêu dùng quần áo ở Anh đã hồi phục và đạt mức 57,32 tỷ Bảng. Trong đó, Vương quốc Anh đã nhập khẩu khoảng 20 tỷ bảng hàng may mặc và phụ kiện quần áo (chiếm 35% tiêu thụ).

Nếu tính theo khu vực châu lục, Anh nhập khẩu quần áo và phụ kiện dệt May nhiều nhất từ Châu Á với kim ngạch là 12,3 tỷ Bảng (61,5%). Thứ nhì là từ Châu Âu với 6,1 tỷ bảng (30,5%). 

Nếu tính theo quốc gia, số liệu năm 2021 cho thấy 5 nước xuất khẩu hàng dệt may nhiều nhất sang Anh lần lượt là: Trung Quốc (6,5 tỷ USD), Bangladesh (3,7 tỷ USD),  Thổ Nhĩ Kỳ (2,3 tỷ USD), Italia (2,2 tỷ USD), Ấn Độ (1,8 tỷ USD);  Việt Nam chỉ đứng thứ 13 với 593,1 triệu USD. (nguồn Statista).

Năm 2022, dự kiến tổng giá trị tiêu dùng quần áo ở Anh đạt mức 55 tỷ Bảng, giảm so với 2021 (theo Statista). Nguyên nhân, do tình hình kinh tế nhiều khó khăn, lạm phát cao nên người dân tiết giảm chi tiêu cho quần áo.

Tuy nhiên, thị trường dự kiến ​​sẽ phục hồi sau vài năm, đạt hơn 65 tỷ bảng Anh vào năm 2026.

Hiệp định tự do thương mại song phương UKVFTA tạo ra cho ngành dệt may nền tảng thương mại vững chắc hơn và có sự tương hỗ lẫn nhau.

 Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu được xóa bỏ 42,5% thuế quan. Phần thuế quan còn lại được xóa bỏ theo lộ trình sau 2, 4 hoặc 6 năm. 

Hiện nay, cơ hội cho doanh nghiệp dệt may là rất lớn. Song, nút thắt lớn của ngành hàng này vẫn là quy tắc xuất xứ và nguyên liệu sản xuất đầu vào.

Ngành dệt may Việt Nam có thể đa dạng hóa nguồn nguyên liệu nhờ việc nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc để xuất khẩu sang Anh mà vẫn được hưởng thuế suất ưu đãi. Đây là thế mạnh mà nhiều nước trong khu vực ASEAN không có.

Quần áo là một trong những Phần lớn nhất của Biểu thuế hải quan Vương quốc Anh, bao gồm 2 Chương (61 và 62) như sau:

Phần XI – Hàng dệt và mặt hàng dệt may

Chương 61 – Các mặt hàng Quần áo và các phụ kiện quần áo, dệt kim hoặc thêu

Chương 62 – Các mặt hàng Quần áo và các phụ kiện quần áo, không dệt kim hoặc thêu

Doanh nghiệp Dệt May Việt Nam có thể tra cứu thông tin thuế NK của Vương Quốc Anh ở những link dưới đây:

https://www.gov.uk/guidance/classifying-textile-apparel
https://www.trade-tariff.service.gov.uk/find_commodity

Hướng dẫn Doanh nghiệp Dệt May Việt Nam tra cứu thông tin về thuế ưu đãi theo UKVFTA

  • Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 53/2021/NĐ-CP ngày 21/5/2021 về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) giai đoạn 2021-2022. 
  • Các Doanh nghiệp có thể vào website https://fta.moit.gov.vn/  và https://www.customs.gov.vn/Lists/ để tra cứu thông tin
  1. Các giải pháp tăng cường Xuất khẩu hàng dệt may

3.1 Các công ty dệt may cần:

  • Nắm bắt xu hướng thời trang, thị hiếu tiêu dùng của người dân Anh (màu sắc, kiểu cách)
  • Xu hướng sử dụng nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường
  • Xu hướng sử dụng nguyên liệu thông minh: điều hòa nhiệt độ cơ thể phù hợp với điều kiện thời tiết, nhu cầu mùa vụ, VD: Graspor Muscle Oxygenation Monitoring
  • Cải tiến, hiện đại hóa công nghệ dệt may để tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm nhẹ sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải cũng như giảm thiểu các ảnh hưởng bất lợi của quá trình sản xuất đến môi trường, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như uy tín, thương hiệu của DN.
  • Áp dụng các công cụ marketing hiện đại (digital marketing,…)

Các thông tin cập nhật có thể xem trên trang website của Hiệp hội thời trang và dệt may Anh: https://www.ukft.org/

3.2 Thương vụ Việt Nam tại Anh sẽ đồng hành với các DN dệt may Việt Nam:

– Cập nhật thường xuyên thông tin về thị trường dệt may Anh  và nhu cầu Nhập khẩu.

– Hướng dẫn về chính sách thương mại hỗ trợ xuất khẩu

– Xây dựng mối quan hệ với Hiệp Hội Thời trang và dệt may Anh và các doanh nghiệp lớn trong ngành KD thời trang, quần áo.

–  Tăng cường tìm hiểu, kết nối với các Doanh nghiệp ngành dệt may tại Anh. Tuy nhiên, năng lực thực tế của Doanh nghiệp xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong việc hợp tác thành công.

Tin liên quan