Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (UK) nằm ngoài khơi Châu Âu lục địa, bao gồm đảo Anh và phần đông bắc của đảo Ireland cùng nhiều đảo nhỏ, là một quốc gia thống nhất theo thể chế quân chủ lập hiến. Vua Charle III kế vị Nữ hoàng Elizabeth II làm nguyên thủ quốc gia. Vương quốc Anh có một Chính phủ nghị viện theo hệ thống Westminster, người đứng đầu Chính phủ hiện thời là Thủ tướng Rishi Sunak (từ ngày 25/10/2022).
- Diện tích: 242.495 km2
- Dân số năm 2022: khoảng 65,11 triệu người (lớn thứ 22 thế giới và thứ 4 Châu Âu, mật độ trung bình 259 người/km2)
- GDP năm 2021: 2.758 tỷ USD (lớn thứ 5 thế giới trong 196 nước được xếp hạng)
- Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021: 4,5% (IMF)
- Thu nhập bình quân đầu người năm (PPP) 2021: 47.089 USD
- Đơn vị tiền tệ: Bảng Anh – £ – GBP
UK gồm 4 xứ: England, Wales, Scotland và Bắc Ireland.
Khí hậu UK nói chung là ôn hòa, nhiệt độ ở phía nam ấm hơn ở phía bắc, nhưng thời tiết có thể thay đổi thường xuyên. Dover ở hạt Kent ở phía đông nam nước Anh là điểm gần nhất với lục địa châu Âu. Đường hầm Channel, nối Anh và Pháp bằng đường sắt, dài hơn 38 km một chút.
Nơi tập trung dân số đông nhất của Anh là London (thủ đô) và vùng đông nam, South và West Yorkshire, Greater Manchester, Merseyside, và West Midlands. Các thành phố chính của Wales là Cardiff (thủ phủ), Swansea, Newport và Wrexham. Các thành phố chính của Scotland là Edinburgh (thủ phủ), Glasgow, Aberdeen và Dundee. Thành phố chính và thủ đô của Bắc Ireland là Belfast.
Nước Anh có một hệ thống chính phủ nghị viện phát triển qua nhiều thế kỷ được chia thành các khu vực bầu cử, mỗi khu vực được đại diện bởi một Thành viên Quốc hội có một ghế trong Hạ viện. Quốc hội gồm Hạ viện (House of Commons) và Thượng viện (House of Lord). Hệ thống dân chủ đã tồn tại ở Anh từ thế kỷ 18. Trong hầu hết 170 năm qua, Đảng Bảo thủ hoặc Đảng Lao động là hai chính đảng lớn nhất thay nhau nắm quyền theo kết quả bầu cử. Các đảng nhỏ hơn gồm có Đảng Dân chủ Tự do, Đảng Cộng sản, Đảng Dân tộc Scotland và Đảng Plaid Cymru ở xứ Wales.
England, Wales, Scotland và Bắc Ireland đều có hệ thống pháp luật riêng. Sự khác biệt nói chung là nhỏ nhưng trong Luật hợp đồng và Luật tài sản có một số điểm cần lưu ý.
Chế độ quân chủ là thể chế chính phủ lâu đời nhất, có từ thế kỷ thứ 9.
Chính phủ gồm các bộ trưởng chịu trách nhiệm tiến hành các công việc quốc gia. Các thành viên Chính phủ đồng thời là thành viên Hạ viện hoặc thành viên Thượng viện. Thủ tướng do Quốc Vương chính thức bổ nhiệm là người chủ trì Nội các.
Quan hệ đối ngoại
Vương quốc Anh là thành viên sáng lập Liên Hợp Quốc và là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, thành viên sáng lập NATO, và nằm trong nhóm G7 các nước công nghiệp phát triển. Anh gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 1973 nhưng đã rời đi từ ngày 01/02/2020 sau một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2016 với kết quả sát sao ủng hộ việc ra đi (Brexit). Thời kỳ chuyển tiếp Brexit đã kết thúc vào ngày 31/12/2020. UK và EU đã kịp ký kết một Hiệp định thương mại tự do vào ngày 30/12/2020. Hiệp định này đảm bảo quan hệ thương mại tự do giữa Anh và 27 nước thành viên EU nhưng trở ngại và bất đồng tiềm ẩn giữa hai bên vẫn còn. Anh có quan hệ đặc biệt chặt chẽ với Khối thịnh vượng chung, một nhóm gồm 56 nước trong đó có nhiều nước từng là lãnh thổ của Anh nhưng hiện đã độc lập như Úc, Brunei, Malaysia, New Zealand, Singapore, và Canada.
Nước Anh có một nền kinh tế mở, trong đó ngoại thương đóng vai trò quan trọng hàng trăm năm nay. Các ngành nghề mạnh nhất gồm tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, giáo dục đại học, sản xuất động cơ tàu thủy, xe hơi và điện gió . Trong khi là quốc gia có đầu tư lớn tại các thị trường trên thế giới, Anh cũng là điểm đến quan trọng của đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Ngoại thương năm 2021
- Xuất khẩu: 625,37 tỷ GBP
- Nhập khẩu: 654,48 tỷ GBP
- Xuất nhập khẩu: 1.279,86 tỷ GBP
Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, các mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất của UK là: xe hơi, các sản phẩm y tế thuốc men, khí đốt, kim loại không màu, dầu thô, quần áo, thiết bị âm thanh và viễn thông, máy móc văn phòng, máy phát điện cơ, các hàng hóa điện dụng, và rau quả.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của UK ra thế giới gồm: xe hơi, máy phát điện và cơ khí, các sản phẩm y tế-dược, dầu thô, sản phẩm dầu, thiết bị công cụ khoa học, máy bay, máy móc công nghiệp, hóa phẩm organic, và đồ uống.
Top 12 nước xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Anh năm 2020 và 2021 lần lượt là: Trung Quốc, Đức, Mỹ, Hà Lan, Na Uy, Bỉ, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Ireland, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Tuy nhiên, Nga đã bật khỏi Danh sách này từ cuối tháng 2 năm 2022 sau khi Anh áp đặt nhiều lệnh trừng phạt kinh tế và cấm vận thương mại đối với Nga.
Các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Anh lần lượt là: Mỹ, Đức, Hà Lan, Ireland, Pháp, Trung Quốc, Bỉ, Thụy Sỹ, Ý, Tây Ban Nha, Hồng Kông, và Canada.
Quan hệ ngoại giao Việt Nam – UK
Việt Nam và UK thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 11/09/1973. Trong gần 50 năm qua, hai nước đã không ngừng xây dựng quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực và đạt nhiều kết quả tốt đẹp.
Tháng 3/2008, hai nước ký Tuyên bố chung “Quan hệ đối tác vì sự phát triển”.
Tháng 9/2010, hai nước nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược”.
Tháng 12/2020, hai nước ký Hiệp định thương mại tự do UKVFTA mở ra nhiều cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp hai nước đồng thời tạo khuôn khổ pháp lý cho hợp tác và phát triển bền vững.
Quan hệ kinh tế Việt Nam – UK
Vương quốc Anh là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại châu Âu.
Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, năm 2021, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Anh năm 2021 đạt hơn 6,6 tỷ USD, đứng thứ 12 trong tổng số hơn 100 nước có quan hệ thương mại với Việt Nam, tỷ lệ tăng trưởng trung bình 5 năm (từ 2017-2021) là 3,96 %. Trong đó thị trường Anh đứng thứ 10 trong số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 5,77 tỷ USD. Về nhập khẩu, Việt Nam nhập khoảng 849 triệu USD hàng hóa từ Anh.
Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Anh tại Đông Nam Á (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia) và đứng thứ 50 trên toàn cầu (theo số liệu năm 2021, Văn phòng Thống kê quốc gia Anh). Các mặt hàng xuất khẩu chính của Anh sang Việt Nam gồm: dược phẩm, sản phẩm hóa chất, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, ô tô nguyên chiếc các loại.
Việt Nam là nước xuất khẩu đứng thứ 23 vào thị trường Anh. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1% tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu của Anh.
2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | |
Xuất khẩu | 5.424 | 5.776 | 5.758 | 4.955 | 5.765 |
Nhập khẩu | 733 | 970 | 857 | 687 | 849.3 |
Xuất nhập khẩu | 6.157 | 6.747 | 6.615 | 5.642 | 6.614 |
Tỷ lệ tăng trưởng xuất nhập khẩu | 9,6% | 9,6% | -1,9% | -14,7% | 17,2% |
Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam – Đơn vị tính: triệu USD
TT | Mặt hàng | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 |
1 | Điện thoại và các loại linh kiện | 2.019,9 | 2.195,3 | 1.986,8 | 1.382,3 | 1.354,0 |
2 | Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng | 148,14 | 209,04 | 301,6 | 535,5 | 623,4 |
3 | Hàng dệt, may | 709,5 | 766,6 | 777,9 | 555,67 | 593,17 |
4 | Giày dép các loại | 688,8 | 640,5 | 628,7 | 498,86 | 544,68 |
5 | Gỗ và sản phẩm gỗ | 290,6 | 289,2 | 311,8 | 229,3 | 266,9 |
6 | Máy vi tính, linh kiện điện tử | 274,5 | 283,2 | 301,8 | 329,3 | 322,7 |
7 | Thủy sản | 282,5 | 320,5 | 280,3 | 344,9 | 316,1 |
8 | Sản phẩm từ chất dẻo | 101,9 | 111,3 | 111,03 | 112,1 | 125,7 |
9 | Đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận | 78,8 | 81,3 | 90,5 | 105,3 | 125,3 |
Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam – Đơn vị tính: triệu USD
TT | Mặt hàng | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 |
1 | Máy móc, thiết bị, phụ tùng | 218,1 | 234,23 | 250,5 | 209,28 | 234,03 |
2 | Dược phẩm | 119,97 | 133,83 | 114,6 | 79,13 | 107,0 |
3 | Sản phẩm hóa chất | 49,54 | 44,84 | 50,77 | 59,36 | 48,60 |
4 | Ô tô | 30 | 34 | 36,75 | 31,18 | 40,07 |
5 | Phương tiện vận tải khác và phụ tùng | 5,46 | 129.34 | 32,46 | 23,58 | 119,9 |
6 | Nguyên phụ liệu dệt, may | 13,05 | 14,79 | 19,63 | 23,88 | 29,76 |
7 | Sản phẩm từ sắt thép | 10,99 | 13,3 | 22,8 | 13,16 | 11,60 |
8 | Thuốc trừ sâu và nguyên liệu | 10,22 | 15,43 | 18,29 | 13,68 | 12,1 |
Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam – Đơn vị tính: triệu USD
Tổng nhu cầu nhập khẩu của Vương Quốc Anh năm 2021 và 2022 đạt: 654,48 tỷ GBP và 644,602 tỷ GBP tương ứng cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm thấy rất nhiều cơ hội tại thị trường này.